Hoàng hậu Đại Việt Lý_Chiêu_Hoàng

Bị phế truất

Sau khi nhường ngôi, Lý Chiêu Hoàng được phong làm Hoàng hậu, trở thành vị Hoàng hậu trẻ tuổi nhất trong lịch sử, vì khi đó bà mới 7 tuổi. Bà chung sống với Thái Tông Hoàng đế hơn 10 năm, tình cảm khá sâu sắc, được Thái Tông rất yêu thương và kính trọng.

Năm Quý Tỵ, Thiên Ứng Chính Bình thứ 2 (1233), Lý Hoàng hậu hạ sinh ra Thái tử Trần Trịnh (陳鄭), nhưng Thái tử chết ngay sau khi sinh không lâu[5].

Năm Đinh Dậu, Thiên Ứng Chính Bình thứ 6 (1237), Thái sư Trần Thủ Độ cùng Thiên Cực công chúa lo sợ huyết thống hoàng gia bị đứt đoạn, nên ép Thái Tông phải bỏ Lý Thiên Hinh để lấy chị dâu là Thuận Thiên công chúa đang có thai 3 tháng. Thái Tông Hoàng đế phản đối, đang đêm trốn khỏi kinh thành để lên gặp sư Phù Vân ở Yên Tử nương nhờ. Thái sư vừa dỗ vừa gây sức ép, cuối cùng hoàng đế cũng phải chịu nghe theo.

Thuận Thiên công chúa được lập làm Hoàng hậu thay thế. Lý Thiên Hinh bị giáng làm Chiêu Thánh công chúa, không rõ hành trạng của bà trong thời gian sau khi bị giáng tước.

Vì chuyện này, Hoài vương Trần Liễu nổi loạn ở sông Cái, nhiều năm nhiều tháng không ngừng. Cuối cùng, Trần Liễu đến xin Thái Tông tha tội, hai anh em ôm nhau khóc thảm thiết, tuy nhiên Trần Thủ Độ dựa vào tội trạng của Liễu mà giáng Liễu làm An Sinh vương (安生王), được ban các vùng Yên Sinh, Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Hưng, Yên Bang làm ấp thang mộc. Những tướng sĩ, quân lính đi theo làm loạn đều bị xử tử.

Tái giá với Lê Phụ Trần

Năm Mậu Ngọ, Nguyên Phong năm thứ 8 (1258), sau cuộc chiến với quân đội Mông Cổ vào năm 1258, Trần Thái Tông gả Chiêu Thánh công chúa cho Ngự sử đại phu Lê Phụ Trần - một thuộc tướng dòng dõi của Lê Đại Hành. Lê Phụ Trần vốn tên Lê Tần (黎秦), người Ái Châu, con của danh tướng Lê Khâm có công giúp Trần Thái Tổ đánh dẹp Hoài Đạo vương Nguyễn Nộn. Lê Phụ Trần năm đó được Thái Tông ban cho chức Ngự sử đại phu, tức Bảo Văn hầu (保文侯), uy danh lẫy lừng, công cao không kể xiết. Thậm chí Thái Tông còn nói:

" Trẫm không có khanh, thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau".[6]

Chiêu Thánh công chúa gả cho Lê Phụ Trần năm 40 tuổi, đường đường chính chính là phu nhân của Bảo Văn hầu, nửa đời còn lại cũng có chốn nương tựa. Hai vị sống với nhau 20 năm, sinh ra con trai là Lê Tông, con gái là Lê Ngọc Khuê. Trần triều còn đặc biệt phong cho công tử Lê Tông tước Thượng vị hầu, vốn chỉ là tước vị của các Hoàng tử hoặc con trai của Thân vương, và tôn nữ Lê Ngọc Khuê được phong làm Công chúa, ban hiệu Ứng Thụy (應瑞). Trong thời điểm đó, không ít tôn nữ được phong làm Công chúa, như Phụng Dương công chúa, nhưng đều là họ Trần, chỉ duy Ngọc Khuê mang họ Lê mà vượt quy cách phong Hoàng nữ ngay từ bé. Hậu duệ được đãi ngộ như vậy, hẳn là do công lao của Bảo Văn hầu Lê Phụ Trần và hơn hết là xuất thân nhạy cảm cùng sự áy náy, kiêng nể của Trần triều đối với Bảo Văn hầu phu nhân Lý Thiên Hinh.

Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư của nhà Hậu Lê chê trách nặng lời việc vua Trần Thái Tông mang bà là vợ cũ, hơn nữa còn là cựu Hoàng đế, gả cho Lê Phụ Trần là bầy tôi. Sử gia Ngô Sĩ Liên trong sách Đại Việt Sử ký Toàn thư viết gay gắt: "Vua tôi nhà Trần coi thường đạo vợ chồng lại thấy ở đây lần nữa"

Ở Từ Sơn (Bắc Ninh) vẫn còn câu ca dao thác lời Chiêu Hoàng trách Trần Cảnh về việc này:

Trách người quân tử bạc tìnhChơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao![7]